Ham muốn và chấp có thể xem là một
Khái niệm:: Nhu cầu, Ham muốn
Theo tôi thì ham muốn sẽ dẫn đến chấp, và chấp là kết quả của ham muốn.
Ham muốn là việc đáp ứng nhu cầu khi chưa quan sát được nhu cầu của bản thân. Ví dụ, ta đang có một trạng thái muốn ăn. Việc muốn ăn đó là một phản ứng tự động trong cơ thể. Lúc này những gì ta nghĩ tới chỉ là làm sao để có thức ăn, chứ không phải là quan sát cái sự đói của tôi. Thì lúc này nếu ta ăn thì đó là kết quả của ham muốn. Nhưng nếu ta quan sát được cái trạng thái đó rồi thì ta có thể có những cân nhắc tốt hơn. Có thể sau khi cân nhắc xong thì có thể ta vẫn sẽ ăn, nhưng việc ăn đó lúc này chỉ là đáp ứng nhu cầu mà thôi, và nó là hệ quả hợp lý, cần thiết. Tôi chưa thấy cái ham muốn nào còn tồn tại khi tôi đã quan sát được cái ham muốn đó. Cái mà Phật nói là giải thoát thì là giải thoát ham muốn, chứ không phải là không đáp ứng nhu cầu.
Ham muốn thường chỉ cần được đáp ứng nhu cầu ở mức độ bản năng, các nhu cầu đó thường ngắn hạn, được đáp ứng rồi thì xong, sau đó có thể muốn nữa hoặc không. Còn chấp là trạng thái của tư duy khi đang có ham muốn. Nó có mức độ năng lượng khá mạnh mẽ, sâu sắc và thường hay đi cùng với cái tôi. Nó thường đòi hỏi phần thưởng lâu dài hơn, hoặc có thể nói là nó đòi hỏi sự nhất quán tuyệt đối (nhất định phải như vậy, luôn luôn là như vậy, không được có sai khác).
Lợi ích của ham muốn nằm ở chỗ nó giúp đáp ứng nhu cầu của mình một cách hiệu quả. Việc có thể làm một thứ mà không phải tốn sự chú ý vào nó giải phóng đầu óc của ta cho những thứ khác. (Đó là sức mạnh của thói quen.) Lúc đói thì lo đi kiếm ăn quan trọng hơn là ngồi quan sát cái đói đó. Vì quan sát xong thì cũng phải đi ăn mà thôi. Ham muốn sẽ chỉ có nhược điểm khi nó cản trở việc đáp ứng một nhu cầu cao hơn (VD: được tự do), còn không thì nghĩ làm gì cho mệt/quan sát làm gì cho tốn thời gian.
Tôi nghĩ trong nhiều trường hợp có thể đánh đồng ham muốn và chấp làm một cũng được. Có vẻ như các tài liệu khoa học cũng không bàn về chấp, mà luôn quy vấn đề thành ham muốn. Nên dùng từ ham muốn sẽ dễ kết nối với các nghiên cứu khoa học hơn, thoát khỏi được cái cảm giác tâm linh.
Nguồn:: Tự ngẫm nghĩ, trải nghiệm và thảo luận với Trần Quế Hưng
Xem thêm:: Bản ngã chính là sự chú ý